Chiều tàn, đêm muộn Có người nói với tôi rằng đó là hai khoảng thời gian trong ngày dễ khiến con người ta thật thà nhất với mình, khi mà những vỏ bọc mà ta khoác lên, cười nói với muôn người không còn dày lắm nữa. Ấy cũng là lúc để dành cho những gì gụi gần, thân ái nhất. Tôi không biết về tôi, nếu không có bàn tay nào nắm lấy, không ngón tay nào chạm lên, không ai lùa vào tóc, không môi hôn, không ánh nhìn, không vòng tay ôm nào siết chặt. Mọi giác quan run lên bởi những đụng chạm vật lý và phi vật lý, những đụng chạm nằm ngoài phạm vi của khoa học, kể cả là khoa học về tinh thần. Tất nhiên người ta có thể lý giải một cách dễ hiểu hoặc phức tạp về mọi hành vi hay trạng thái cảm xúc của một khối vật chất gọi là con người. Nhưng con người ta đứng trên mặt đất này, dưới bầu trời này, trong ngọn gió này là một điều giản đơn không (thể) giải thích, ít nhất là bởi lời lẽ thông thường, sự sắp xếp của những chữ cái và những âm điệu, khô khan và ướt át. Tôi có hiểu được em không, hay tôi có hiểu được tôi không. Nhưng xem một bức tranh, nghe một bài hát, tôi hiểu nó có quan trọng bằng tôi cảm được nó không. Bài hát bằng tiếng Bun-ga-ri vẫn làm tôi khóc, bức tranh trừu tượng vẫn khiến tôi buồn, tôi có hiểu gì đâu. Tôi chỉ biết nằm ngoài phạm vi ngữ nghĩa nhỏ nhoi hạn hẹp là một cõi không lời tôi không đi hết được. Mười xen-ti-mét hay mười ngàn ki-lô-mét, có nghĩa gì không? Thì cũng có ai đo được độ dài ngắn nông sâu của những buổi chiều tàn, những khi đêm muộn, nếu như không nhìn vào sự thành thật trong mình?