CCNA là gì vậy? Tại sao lại phải cần CCNA ? Chứng chỉ CCNA là gì? Chứng chỉ CCNA (Cisco Certified Network Associate) là một chứng chỉ nghề cơ bản về công nghệ mạng do hãng Cisco System có trụ sở đóng tại Mỹ cấp và được công nhận trên 150 nước toàn thế giới. Theo một nghiên cứu của tạp chí Certification Magazine thì CCNA được coi là chứng chỉ tốt nhất trong danh sách 10 chứng chỉ nghề nghiệp hàng đầu thế giới. Người có chứng chỉ này được hiểu là đã có kiến thức cơ bản và toàn diện về các công nghệ mạng cũng như kỹ năng thực hành. Vậy tại sao chứng chỉ CCNA lại uy tín như vậy? Thống kế gần đây nhất, hiện Cisco chiếm > 54% thị phần về công nghệ và thiết bị của hạ tầng mạng Internet ; điều đó cho thấy không ai hiểu mạng như Cisco. Hơn nữa việc nghiên cứu và học công nghệ mạng của Cisco có nghĩa bạn đã nắm được công nghệ mạng tiên tiến nhất hiện nay. Vậy học CCNA sau ra làm gì? – Có đủ khả năng thiết kế, thi công những hệ thống mạng bao gồm từ thi công các hệ thống cáp mạng, cáp tường đến cấu hình các thiết bị, tóm lại là một giải pháp kết nối toàn diện. – Có khả năng thiết lập và cấu hình các hệ thống mạng có các thiết bị định tuyến (routers) và chuyển mạch (switches) cho mạng nội bộ (LAN) và mạng diện rộng (WAN) – Có khả năng quản trị và giải quyết các sự cố mạng thường gặp, nâng cao hiệu quả và bảo mật cho các hệ thống mạng máy tính. – Nắm vững cơ sở và nền tảng lý thuyết của hệ thống mạng, giúp bạn tiếp tục theo học các khóa học cao hơn như CCNP, CCIE. – Nắm vững lý thuyết, các công nghệ mạng diện rộng tiên tiến hiện tại như dịch vụ chuyển tiếp khung (Frame-relay), ISDN, ADSL cũng như các khái niệm định tuyến, giao thức định tuyến như RIP, EIGRP, OSPF để có thể làm việc trong những hệ thống mạng WAN. Nơi nào sử dụng những người có chứng chỉ CCNA? Tại Việt Nam thường thì các nhân viên thiết kế, triển khai, quản trị hệ thống mạng sử dụng sản phẩm của Cisco đều yêu cầu phải có tối thiểu CCNA. Đối với những dự án lớn có thể phải yêu cầu có CCNP (cấp cao hơn CCNA) hoặc thậm chí đến CCIE (là cấp cao nhất trong hệ thống chứng chỉ của Cisco – hiện ở Việt Nam chỉ có khoảng 30 người sở hữu chứng chỉ này) Hiện sản phẩm Cisco được sử dụng phổ biến tại các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP): VNPT, FPT, Viettel,..; các tập đoàn trên thế giới; các ngân hàng, các trường Đại học – Cao đẳng; các bộ; tổng cục; công ty liên doanh;… nên để có thể làm việc tại các tập đoàn này thì ứng viên nên có tối thiểu kiến thức của CCNA. Cisco Cisco là tập đoàn chuyên cung cấp các giải pháp mạng viễn thông đứng vào hàng lớn nhất thế giới. Khác với Microsoft hay hệ thống Linux/Unix/Solaris, Cisco tập trung vào các công nghệ mạng trục, các hệ thống backbone, các hệ thống mạng của ISP (Internet Service Provider), IXP (Internet Exchange Provider) và các dịch vụ mạng thông minh cao cấp như Content Network, Voice, Truyền hình. Một cách hình tượng, ta ví von hệ thống Microsoft như xây dựng một ngôi nhà lớn hoàn thiện, còn Cisco là xây dựng các con đường bằng phẳng, kết nối những ngôi nhà lớn với nhau, tạo thành những hệ thống thông tin internet đồ sộ hiện nay. Với những công nghệ phức tạp, tinh xảo, hiện đại vốn biến đổi hàng giờ, Cisco hiểu rằng chỉ có một nguồn nhân lực với kỹ thuật cao, kiến thức nền tảng vững vàng mới có thể đáp ứng được bước tiến, áp lực của sự phát triển ấy. Do đó, từ năm 1996, Cisco đã đưa ra một hệ thống các bằng cấp phân lớp. Ngoài việc thể hiện trình độ của một cá nhân, các bằng cấp này còn thể hiện uy tín, khả năng làm hài lòng khách hàng, khả năng hỗ trợ, làm việc, v.v… của công ty ấy. Hệ thống bằng cấp cùng với chính sách khuyến khích các công ty đối tác (partner) đầu tư vào việc thi lấy các chứng chỉ để công ty tuyển dụng có thể đạt được những danh hiệu như Premier, Bronze, Silver và Gold Partners, từ đó được hưởng những sự ưu đãi vể giá cả, hỗ trợ của Cisco đã thật sự tạo nên cơn sóng ồ ạt thi lấy các chứng chỉ Cisco vào những năm 1999-2000. (Theo convirut.wordpress.com)